Cập nhật vào 27/11
Trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh, các hormone trong cơ thể chưa thể ổn định kịp, do đó phụ nữ rất dễ mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch, trong đó có suy giáp. Bệnh này có tỉ lệ mắc tăng dần theo tuổi và phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới. Hãy cùng tìm hiểu: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị bệnh suy tuyến giáp sau sinh
Bệnh suy giáp là gì?
Suy giáp là một bệnh lý phổ biến ở tuyến giáp, một tuyến nội tiết quan trọng và lớn nhất trong cơ thể, nằm ở phía trước cổ. Các bệnh lý về tuyến giáp, trong đó có suy tuyến giáp, thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, do đó phụ nữ mang thai và sau sinh là đối tượng rất dễ mắc phải. Nam giới có tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn nữ.
Bệnh suy giáp có tỉ lệ mắc ở nữ cao hơn nam
Suy tuyến giáp thể hiện ở sự suy giảm chức năng tuyến giáp, khiến quá trình sản xuất hormone tuyến giáp bị ngưng trệ và không đáp ứng được nhu cầu của cơ thể, từ đó gây tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hoá.
Nguyên nhân gây bệnh suy tuyến giáp sau sinh
Một trong những nguyên nhân chính yếu của bệnh suy tuyến giáp sau sinh là bắt nguồn từ tuyến yên. Ở một số phụ nữ sau sinh, tuyến yên có hiện tượng bị hoại tử. Các bác sĩ chưa thể giải thích vì sao sau giai đoạn mang thai và sinh nở, tuyến yên lại bị tổn thương và hoại tử. Hiện tại đang có nhiều giả thiết được đưa ra, trong đó một số ý kiến cho rằng trong quá trình mang thai, tuyến yên sẽ biến đổi và trở nên lớn hơn, đòi hỏi được cung cấp nhiều máu hơn để duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nếu thai phụ gặp phải các tình huống mất máu quá nhiều như vỡ tử cung, rau cài răng lược… thì sẽ xuất hiện tình trạng tụt huyết áp. Lúc này, cơ thể sẽ huy động máu để tập trung cho các cơ quan trọng yếu như não, tim, thận,… dẫn đến thiếu máu đến các cơ quan khác, trong đó có tuyến yên và hậu quả là tuyến yên có thể bị hoại tử do thiếu máu nặng và kéo dài. Ngoài ra, có một số nguyên nhân dẫn đến hoại tử tuyến yên sau sinh như do mắc các bệnh mạn tính, viêm tuyến yên mạn tính…
Tuyến yên bị hoại tử sẽ khiến quá trình bài tiết của tuyến yên không ổn định, kéo theo kích thích tố tuyến giáp giảm dẫn đến tình trạng suy tuyến giáp.
Dấu hiệu của bệnh suy tuyến giáp sau sinh
Rối loạn tâm thần, trầm cảm… là triệu chứng của bệnh suy tuyến giáp sau sinh
Các triệu chứng phổ biến của bệnh suy giáp ở phụ nữ sau sinh là các hoạt động suy nghĩ, vận động chậm chạp, tăng cân, sợ lạnh… Ngoài ra còn có một số triệu chứng suy giảm hoạt động các tuyến sinh dục như bị rụng lông vùng nách, lông mu, kinh nguyệt rối loạn hoặc ngưng hẳn… Một số trường hợp mẹ sau sinh sẽ bị thiếu máu nặng, trầm cảm hoặc rối loạn tâm thần. Nhìn chung, các dấu hiệu của bệnh không rõ ràng và đặc trưng, tuy nhiên cần chú ý nhất đến 2 dấu hiệu sớm là sau sinh mẹ không có sữa cho con bú và không thấy có kinh nguyệt trở lại. Các bạn cũng có thể tham khảo thêm các dấu hiệu của bệnh tại dấu hiệu bệnh suy giáp.
Điều trị bệnh suy tuyến giáp sau sinh ra sao?
Nếu phát hiện được bệnh suy giáp trước hoặc sau thai kỳ, mẹ bầu sẽ được tư vấn liều điều trị bằng thuốc theo từng giai đoạn mang thai. Sau khi sinh, mẹ cần nhanh chóng trở về liều lượng thuốc như cũ để thúc đẩy hiệu quả điều trị.
Phương pháp chữa bệnh suy giáp được đánh giá cao hiện nay là bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp (ví dụ levothyroxin) để bình giáp. Mẹ sau sinh sẽ được tư vấn dùng hormone theo chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ lịch kiểm tra chức năng tuyến giáp mỗi 6 – 8 tuần một lần. Bác sĩ sẽ kiểm tra tiến trình điều trị bằng cách xét nghiệm nồng độ chất FT4 và TSH trong cơ thể và cho dùng thuốc đến khi hàm lượng này đạt chuẩn.
Suy giáp là bệnh lý ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và tinh thần của bệnh nhân. Đối với phụ nữ, nếu phát hiện mắc suy giáp trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai thì cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Sau khi sinh, mẹ nên chú ý đến các biểu hiện bất thường của cơ thể để nhanh chóng phát hiện bệnh suy giáp và điều trị sớm nhất có thể.
>> 9 dấu hiệu nhận biết bệnh tâm thần mà bạn ít ngờ tới
Được tổng hợp bởi manhhuyen.com